Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa

Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa: Cần nhiều giải pháp 


Theo Hiệp hội dừa Bến Tre, ngành hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Bến Tre.  Với óc sáng tạo kết hợp với đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân Bến Tre đã tận dụng hầu hết các bộ phận của cây dừa, đã tạo ra hàng trăm loại sản phẩm với giá trị sử dụng rất phong phú, góp phần nâng cao chuỗi giá trị dừa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, làm phong phú và tô đẹp thêm nét đặc trưng văn hóa dừa trên đất Bến Tre, là  sản phẩm phục vụ cho khách du lịch là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Mặc dù vậy, nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa cũng đang gặp phải nhiều hạn chế chưa có giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ.


Hàng thủ công mỹ nghệ - Ảnh P.V


Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 50 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có khoảng 37 doanh nghiệp và cơ sở có mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ các thứ liệu của cây dừa. Tuy vậy, phần lớn cơ sở sản xuất vẫn mang tính tự phát có qui mô nhỏ, ít có thiết bị hiện đại, đặc biệt là rất thiếu những người thiết kế, nghiên cứu về thị trường và thợ bậc cao, nên nhiều sản phẩm trùng lặp mẫu mã và công dụng, ít có phẩm tinh xảo, độc đáo riêng của từng nhà sản xuất.
Theo một doanh nghiệp có thâm niên trong sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, hiện Bến Tre có khoảng 1.000 mẫu sản phẩm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa. Các mẫu mã này thường do các cơ sở tự nghĩ ra, hay làm theo yêu cầu của khách hàng, và một phần là do học hỏi từ các cơ sở khác. Tuy nhiên, việc sao chép mẫu mã của nhau một cách vô tội vạ đã tạo nên một bức xúc lớn trong các cơ sở sản xuất có uy tín. Thấy được hạn chế này, nhưng các cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp bởi theo các cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng vẫn không có giải pháp hữu hiệu bảo vệ các cơ sở, dù trước đó đã từng đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm.
Hàng thủ công mỹ nghệ dừa

Bên cạnh đó, do không nắm chắc nhu cầu của thị trường, nên nhiều cơ sở phụ thuộc vào các bạn hàng trung gian, thiếu chủ động trong kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa thật cao; chưa có sự gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân và các doanh nghiệp trong việc mở rộng qui mô sản xuất, truyền nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, triển vọng phát triển của ngành sản phẩm thủ công, mỹ nghệ dừa Bến Tre rất lớn. Nhưng để ngành sản phẩm nầy tiếp tục phát triển vững rất cần những giải pháp sát hợp. Các ngành chức năng của tỉnh Bến Tre cần có qui hoạch và định hướng cho việc phát triển lâu dài của ngành thủ công, mỹ nghệ từ dừa và cần có các chính sách tác động, hỗ trợ hợp lý. Ông Hồ Vĩnh Sang – Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các trường nghề với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo cho người lao động về chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cũng phải tự tìm những chuyên viên lành nghề về thiết kế mẫu mã, về thị trường, về thiết bị và công nghệ mới để chủ động về kế hoạch sản xuất, về tiêu thụ sản phẩm, bao gồm xuất khẩu trực tiếp. Ông Hồ Vĩnh Sang khẳng định, Hiệp hội Dừa có trách nhiệm phối hợp tốt hơn với các ngành chức năng trong việc đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là trong việc xây dựng các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ việc quảng bá, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về công nghệ và thị trường.
Khi hoạt động sản xuất bắt đầu phát triển, mặc dù là tỉnh có diện tích dừa khá lớn nhưng theo các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thì đã bắt đầu có tình trạng thiếu gỗ dừa nguyên liệu, hoặc chất lượng gỗ dừa hiện rất thấp. Cách nay vài năm giá gỗ dừa chỉ ở mức 60.000-70.000 đồng/m thì nay có giá 150.000 đồng/m. Mặc dù giá gỗ dừa tăng cao nhưng theo các cơ sở sản xuất, thì giá các mặt hàng tăng rất hạn chế do sự cạnh tranh giữa các cơ sở với nhau. Đây chính là một bài toán nan giải cho việc phát triển diện tích vườn dừa theo chủ trương của ngành nông nghiệp tỉnh với việc mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây dừa.
Trung Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét